Tác hại của đau khớp gối

Tuy vậy, lớp trẻ còn rất chủ quan vì họ cho rằng đó là bệnh của người già. nếu không phát hiện và điều trị sớm, đau khớp gối có thể để lại nhiều hậu quả xấu, thậm chí gây tàn phế.

Khớp gối là nơi tiếp giáp của ba xương: xương đùi, xương chày và xương bánh chè. Mỗi đầu xương được phủ bởi một lớp sụn khớp rất trơn láng, không có ma sát và khớp được bao bọc bởi bao hoạt dịch nên cử động rất nhịp nhàng. Ngoài ra, khớp gối còn có hai mảnh sụn chêm nằm xen kẽ giữa hai đầu xương. Sụn chêm giống như một bộ phận giảm sốc của khớp gối. Khớp gối là một trong những khớp lớn và quan trọng nhất cơ thể vì nó có nhiệm vụ nâng đỡ toàn bộ cơ thể.

Tác hại của đau khớp gốiVới người cao tuổi đau khớp gối ngoài chấn thương, viêm khớp mạn tính, hiện tượng thoái hóa khớp gối do lão hóa là lý do chính gây đau khớp gối

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây đau khớp gối rất đa dạng, có thể do lão hóa bởi tuổi cao, ăn uống thiếu chất dinh dưỡng gây thoái hóa khớp gối, hoặc do chấn thương (giãn, rách dây chằng, căng hoặc rách gân, viêm gân bánh chè, tổn thương, rách sụn) hoặc do bệnh nhuyễn sụn ở xương bánh chè hoặc do viêm khớp cấp hoặc mãn tính hoặc do béo phì làm cho khớp gối luôn bị đè nặng với trọng lực của cơ thể hoặc do viêm khớp gối nhiễm khuẩn gây viêm gân, dây chằng hoặc do viêm bao hoạt dịch. Bao hoạt dịch là các sợi xơ mềm, ở bên trong bao khớp, giữ chức năng tiết ra dịch làm trơn, giúp nuôi dưỡng sụn khớp. Khi bao hoạt dịch bị viêm sẽ gây ra các cơn đau khớp đầu gốivà làm cứng khớp gối. Đau khớp gối có thể do viêm gân bánh chè. Viêm gân bánh chè xảy ra khi có các tổn thương ảnh hưởng đến phần dây chằng nối xương bánh chè đến xương ống quyển. Từ đó gây ra tình trạng đau khớp đầu gối. Đau khớp gối do viêm khớp gối. Viêm khớp gối có thể do lớp sụn khớp bị bào mòn bởi thoái hoá. Các nhà chuyên môn cho biết rằng khi khớp gối bị thoái hóa sẽ làm cho lớp sụn từ từ mỏng dần đi và trở nên xù xì, xơ cứng. Quá trình này xảy ra chủ yếu ở phần chịu lực nhiều của lồi cầu xương đùi, mâm chày hoặc xương bánh chè. Phần xương xung quanh sẽ phản ứng lại bằng cách dày lên, sẽ tạo thành các gai xương ở viền khớp. Đau khớp gối có thể do thoái hóa khớp gối, lớp sụn đã bị bào mòn gần hoàn toàn, nó không còn che phủ đầu xương, làm cho hai đầu xương liên tục bị cọ xát vào nhau mỗi khi cử động. Mỗi lần cọ xát như vậy sẽ gây đau, nhất là những lúc đi lại nhiều, cố gắng xách vật nặng hoặc leo lên cầu thang, hoặc lúc ngồi xổm. Càng ngày lớp sụn càng bị tác động của lực cơ thể mà bị bào mòn nhiều hơn gây biến dạng hình thể khớp gối, teo cơ . Đau khớp gối còn có thể do đã từng mắc bệnh gút hoặc đang mắc bệnh gút.

Triệu chứng

Đau khớp gối thể hiện ở các mức độ và vị trí khác nhau tùy theo nguyên nhân. Với bệnh thấp khớp cấp kèm theo đau khớp gối còn có nhiều triệu chứng khác kèm theo như sốt, sưng, nóng, xuất hiện một số ban đỏ (biểu hiện điển hình của viêm và chủ yếu gặp ở thanh thiếu niên). Với người cao tuổi đau khớp gối ngoài chấn thương, viêm khớp mạn tính, hiện tượng thoái hóa khớp gối do lão hóa là lý do chính gây đau khớp gối. Vì vậy, triệu chứng đau khớp gối chủ yếu là đau nhức thường xuyên, kéo dài xuất hiện ở hai khớp gối, cảm giác đau mạnh hơn khi vận động. Các cơn đau thường đến đột ngột, có những trường hợp phát ra tiếng kêu ở khớp khi vận động, thêm vào đó là cứng khớp, cử động rất khó khăn, nhất là sáng sớm lúc vừa ngủ dậy đặt chân xuống sàn nhà. Sở dĩ đau là do phần sụn của khớp là một tổ chức trơn, dễ cử động bị hư hại hoặc do thoái hóa khớp nên mọc thêm các mỏ gai. Triệu chứng đau, nhiều khi người bệnh không ra được khỏi giường và đi lại rất hạn chế.

Để chẩn đoán tìm nguyên nhân đau khớp gối, ngoài việc tìm hiểu về tiền sử, khám thực thể, cần chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), tốt hơn là chụp cộng hưởng từ (MRI) khớp gối để đánh giá tình trạng của khớp. Những trường hợp nghi có tràn dịch khớp gối cần được siêu âm và chọc hút để thăm dò.

Tác hại của đau khớp gối

Tác hại

Đau khớp gối cho dù là nguyên nhân gì (do viêm nhiễm, do chấn thương hay do thoái hóa sụn khớp) rất có thể để lại di chứng như đau dai dẳng làm gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng vận động, sinh hoạt của người bệnh, làm cho người bệnh mệt mỏi, cơ thể suy nhược. Đồng thời gây khó khăn trong vận động, di chuyển do cứng khớp, thường gặp nhất là buổi sáng sớm khiến cho người bệnh khó vận động đặc biệt là khi gập hoặc duỗi đầu gối. Hậu quả lâu dài là biến dạng khớp gối (vẹo vào trong) làm cho đi lại khó khăn, teo cơ gây tàn phế (liệt).

Nguyên tắc điều trị

Nguyên tắc điều trị bệnh đau khớp là cần làm giảm đau và điều trị nguyên nhân. Vì vậy, khi đau khớp gối cần được khám bệnh đầy đủ, tốt nhất là khám chuyên khoa khớp để được điều trị đúng, sớm tránh nhằm các biến chứng xẩy ra. Không nên điều trị bởi những người không có chuyên môn về y học.

Lời khuyên của thầy thuốcNgoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa khớp, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh ăn quá mặn (bởi muối có thể gây tích nước và phù gây áp lực lên khớp gối). Bia rượu và các chất kích thích thường gây co cứng cơ khớp gối nên cần hạn chế sử dụng. Nên có một chế độ ăn đầy đủ canxi (tôm cua, cá nhỏ để ăn cả xương), nhiều rau xanh nhất là các loại rau có màu xanh đậm, ăn nhiều hoa quả tươi. Lưu ý không được ăn nhiều rau củ họ cà trong giai đoạn đang bị đau khớp gối do viêm khớp. Thêm vào đó là vận động cơ thể đều đặn nhẹ nhàng hàng ngày tùy theo sức mình và điều kiện có thể thực hiện được, không nên làm các động tác mạnh như chạy, nhảy và hạn chế lên xuống cầu thang khi khớp gối chưa bình phục hoàn toàn. Tránh ngồi lỳ một chỗ quá lâu, tránh ngồi xổm và nên thường xuyên đi lại vận động, nếu bị béo phì cần giảm cân, duy trì mức cân nặng hợp lý sẽ giảm áp lực lên đầu gối.

PGS.TS.BS. BÙI KHẮC HẬU