Qua thăm khám và siêu âm nhận định đây là ca khó và phức tạp bởi trước đó người bệnh đã mổ đẻ 2 lần. Đây là lần thứ 3 người bệnh mang thai nhưng không biết. Điều đáng chú ý là người bệnh chửa tại vết mổ đẻ cũ, túi ối đã lồi về phía bàng quang khiến vết mổ bị phình to làm mỏng cơ tử cung.
Sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ đã chỉ định người bệnh được can thiệp bằng phương pháp hút thai và chèn bóng vào buồng tử cung tại vị trí vết mổ để cầm máu.
Theo BSCKI. Đặng Ngọc Dương - Phó trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện, đối với trường hợp người bệnh H. nếu không được can thiệp kịp thời thì khi thai phát triển lớn hơn lan sang bàng quang gây tổn thương bàng quang, mặt khác khi thai phát triển lớn làm vết mổ phình to khiến cơ tử cung mỏng nguy cơ vỡ tử cung, băng huyết, không thể cầm máu và người bệnh sẽ phải cắt tử cung. Và nguyên hiểm nhất có thể gây tử vong.
Khám và kiểm tra thai sản thường xuyên để tránh các nguy cơ có thể xảy ra
Thai bám trên vết mổ cũ là một dạng thai ngoài tử cung do thai phát triển tại vết sẹo trên cơ tử cung ở lần mổ thai trước đó. Đây là một bệnh lý rất nguy hiểm, có thể dẫn đến nguy cơ vỡ tử cung, xuất huyết tử cung ồ ạt và nhiều biến chứng có nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời nhằm giảm tình trạng phụ nữ mất khả năng sinh sản do cắt tử cung và giảm nguy cơ tử vong ở sản phụ.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nếu có vết mổ đẻ cũ khi có thai cần được thăm khám sớm để xác định vị trí chính xác của thai nhằm loại bỏ trường hợp chửa tại vết mổ đẻ cũ vì rất nguy hiểm. Đặc biệt với những trường hợp đi khám thai nếu phát hiện có túi ối ở vị trí bất thường thì cần phải siêu âm bằng doppler và phải hội chẩn với những người có kinh nghiệm để hạn chế nguy cơ rủi ro cho người bệnh.
Tiểu Nhị