Rôm sảy ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ
Rôm là những mụn nước trong, kích thước nhỏ, mọc riêng rẽ từng mụn, khiến trẻ có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Trẻ ăn kém hơn, giấc ngủ không sâu làm cho năng lượng đưa vào giảm. Trẻ quấy khóc, càng làm mất thêm năng lượng, dẫn đến sụt cân nhanh chóng. Khi cơ thể không khỏe mạnh, sức đề kháng giảm thì khả năng trẻ mắc bệnh càng cao hơn như bị rối loạn tiêu hóa, bệnh tay – chân – miệng, sốt vi rút… và sẽ phát triển kém hơn so với những trẻ khỏe mạnh khác. Nếu rôm sẩy không được vệ sinh và xử lý đúng cách sẽ phát triển thành mụn nhọt, đầu đinh. Thực tế cho thấy, nhiều bà mẹ lo lắng khi con bị rôm đã nóng vội tìm mua thuốc bôi, tắm cho trẻ mà không tìm hiểu kỹ gây nên những tình trạng nặng nề hơn về sức khỏe như dị ứng da.
Một số sản phẩm hỗ trợ trị rôm sảy ở trẻ
Phấn rôm: Phấn rôm dùng cho trẻ có thành phần chính là bột talc, muối canxi, muối kẽm, được sản xuất dưới dạng bột mịn, có khả năng thấm hút cao. Khi sử dụng phấn rôm, cha mẹ chú ý xoa phấn rôm nhẹ nhàng lên da sau khi tắm và lau khô cho trẻ; không sử dụng phấn rôm tại các vùng gần mắt, mặt, các vùng kín như âm hộ của trẻ gái; tránh tình trạng phấn bay vào mắt, mũi, miệng trẻ gây các bệnh liên quan đến đường hô hấp; bay vào các vùng kín có thể gây ung thư. Trước khi sử dụng phấn rôm, bạn nên thoa một lớp mỏng lên da của trẻ, theo dõi trong một ngày xem có bị dị ứng không, nếu có hiện tượng mẩn ngứa hay nổi đỏ thì không nên dùng sản phẩm đó nữa.
Thường xuyên tắm rửa sạch sẽ cho trẻ.
Kem chống hăm: Ở một số trẻ do thời gian đóng bỉm lâu, dễ bị mẩn ngứa rôm sẩy... cha mẹ có thể sử dụng một số loại kem chống hăm có corticoid nhẹ giúp kháng viêm, kháng khuẩn, phòng ngừa và giảm nhanh chứng viêm da do đóng bỉm, thúc đẩy quá trình làm lành da, làm thành một hàng rào bảo vệ chống lại các tác nhân gây bệnh có thể là nguyên nhân của tình trạng viêm nhiễm. Tuy nhiên, không nên lạm dụng thuốc khi không có chỉ định của bác sỹ vì có thể gây dị ứng và một số tác dụng phụ không mong muốn cho cơ thể trẻ. Bên cạnh đó, cũng không nên bôi các loại thuốc mỡ lên da trẻ vì có thể làm cho lỗ chân lông thêm bít, khó thoát mồ hôi và gây kích ứng da của trẻ.
Cồn: Ngoài ra, khi da trẻ xuất hiện các nốt mụn to, mụn mủ, cha mẹ có thể dùng một số loại cồn có chứa iod hữu cơ để bôi như: betadin, povidone…
Cách chăm sóc trẻ để tránh rôm sảy
Để tránh rôm sảy cho trẻ và ngay cả khi trẻ đã bị rôm sảy, gia đình nên thường xuyên tắm rửa sạch sẽ cho trẻ, giữ da sạch sẽ, để tránh làm bít các lỗ chân lông. Sau khi ra mồ hôi, cố gắng lau người cho trẻ. Đặc biệt là sau khi ngủ một giờ, mồ hôi ra nhiều, các bậc cha mẹ cần chú ý thay quần áo lót cho trẻ. Quần áo mặc cho trẻ vào mùa hè cũng phải chọn loại vải phù hợp, thấm mồ hôi... sẽ mang lại cảm giác mát mẻ, thoải mái, phòng tránh được rôm sảy. Ngoài ra có thể cho trẻ nghịch nước; dùng gối nước, chiếu mát cho trẻ nằm. Khi sử dụng điều hòa, cần chú ý nhiệt độ vừa phải, không quá lạnh.
Chú ý: Khi trẻ bị rôm sảy, mẩn ngứa, có những thói quen, cách chăm sóc không đúng đã vô tình làm tình trạng của trẻ thêm nặng hơn, vì vậy, các bậc cha mẹ cần lưu ý: Không nặn những nốt rôm sẩy trên da trẻ vì làm dịch trong nốt lan ra, làm lây lan bệnh, có thể khiến trẻ bị viêm da; Không được massage cho trẻ, đặc biệt là sử dụng các loại tinh dầu vì có thể làm bít kín lỗ chân lông, khiến tình trạng của trẻ nặng thêm; Không sử dụng sữa tắm người lớn để tắm cho trẻ vì trong sữa tắm người lớn thường có hàm lượng chất tẩy rửa cao, trong khi da trẻ còn non, dễ khiến trẻ bị kích ứng thêm; Không tự ý bôi, sử dụng thuốc cho trẻ khi chưa có chỉ dẫn của bác sỹ.
TS. Nguyễn Ngọc Sáng